Thủ đoạn khó lường
Cho đến thời điểm hiện tại, dù sự việc đã qua được nhiều ngày nhưng bà T., 80 tuổi, trú tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại sự việc bị đối tượng giả danh Đại tá Công an gọi điện đe dọa, nhằm lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 400 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên An ninh Thủ đô, cụ bà này cho biết, sáng 5-6-2024, bà nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ của một người tự xưng là Đại tá Công an, thông báo việc cụ liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia và yêu cầu bà T. phải chuyển toàn bộ số tiền đang có trong sổ tiết kiệm để chứng minh tài sản.
Cụ bà 80 tuổi thời điểm bị tội phạm đe dọa, được nhân viên ngân hàng cùng lực lượng Công an hướng dẫn thoát "bẫy" lừa
“Đối tượng đe dọa nếu tôi không chuyển tiền thì sẽ bắt ngay lập tức và nói rằng, vì nể tình gia đình tôi có công với cách mạng nên cho tôi cơ hội. Dù trước đó tôi cũng đã đối chất với chúng, đấu tranh cả buổi sáng rằng tôi không biết số tiền nào, và không liên quan tới đường dây ma túy nào hết.
Thậm chí, tôi còn yêu cầu gọi video thì đúng là có hình ảnh người mặc áo Công an, đeo quân hàm Đại tá thật và nhất là khi đối tượng nói thông tin gia đình thì tôi bắt đầu hoang mang…” - Bà T. kể lại.
Khoảng 13h30 chiều cùng ngày, nạn nhân đã đến ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô - Phòng giao dịch Lý Nam Đế, tại 34D Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm để gửi toàn bộ số tiền hơn 400 triệu đồng cho kẻ mạo danh “Đại tá Công an”.
Bà T. quay lại cảm ơn chị Nguyễn Thùy Linh - Giao dịch viên của ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô,người đã phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của nạn nhân
Khi thấy cụ bà đến yêu cầu gửi tiền một cách gấp gáp, chị Nguyễn Thùy Linh - Giao dịch viên của ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô đã hỏi bà T. gửi cho ai, có phải người quen hay không. “Lúc đó tôi còn nhắc bà là tội phạm lừa đảo bây giờ rất nhiều thì thấy bà ra về và không nói câu nào” - Chị Linh cho biết.
Còn theo bà T., do các đối tượng đe dọa không được kể với ai nên khi thấy nhân viên ngân hàng hỏi thì đã lo sợ nên đứng dậy ra về luôn. Một lát sau, nạn nhân quay lại ngân hàng một lần nữa. Thấy bà T. trong tình trạng lo lắng, tay run và mất bình tĩnh, chị Nguyễn Thùy Linh tiếp tục nhấn mạnh câu hỏi “Bà gửi cho ai, có phải người nhà hay người quen không”.
“Khi nhân viên nhắc lại câu hỏi, tôi trấn tĩnh một chút và nghĩ, tại sao số tiền lớn như thế này mình lại gửi cho người lạ. Thế rồi tôi ra về, nhưng khi vừa về tới nhà thì đối tượng lại gọi điện đe dọa dồn dập khiến tôi rất sợ và định đi ra ngân hàng khác để gửi…” - Bà T. nói.
Về phía ngân hàng BIDV, khi thấy dấu hiệu nghi ngờ bà T. bị lừa đảo, chi nhánh đã cử người vào nhà tìm và may mắn đã kịp gặp nạn nhân. Lập tức, các nhân viên của ngân hàng đã đưa bà T. ra trụ sở và gọi điện thông báo cho Công an phường Cửa Đông.
Ngay sau đó, phía Công an phường đã có mặt, nắm thông tin đồng thời cùng với nhân viên ngân hàng hướng dẫn bà T. trả lời cuộc điện thoại của đối tượng. Biết lực lượng Công an đã vào cuộc nên tội phạm ngắt liên lạc, qua đó số tiền tiết kiệm của cụ bà 80 tuổi đã được bảo toàn.
Tập trung phòng ngừa
Trung tá Nguyễn Đoàn Tô - Trưởng Công an phường Cửa Đông cho biết, thời gian qua, Công an phường cũng đã nhận được nhiều thông tin từ quần chúng nhân dân về những cuộc điện thoại giả mạo Công an nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các biển cảnh báo được đặt tại quầy giao dịch của các ngân hàng trên địa bàn phường Cửa Đông
“Tội phạm hoạt động với thủ đoạn tinh vi, khó lường và biến đổi liên tục nên chúng tôi tập trung công tác phòng ngừa, đặc biệt chú trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó, phát huy vai trò của lực lượng Cảnh sát khu vực, những người gần dân, gắn bó với người dân nhất.
Bên cạnh đó, Công an phường cũng phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng đóng trên địa bàn, thường xuyên phổ biến các thủ đoạn của tội phạm, hướng dẫn các giao dịch viên nhận diện được những trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo thông qua diễn biến tâm lý, để từ đó có sự phối hợp kịp thời, ngăn chặn tội phạm chiếm đoạt tiền của người dân” - Trung tá Nguyễn Đoàn Tô thông tin.
Tại quầy giao dịch của các ngân hàng, Công an phường Cửa Đông cũng đặt các biển cảnh báo để người dân đến giao dịch có thể đọc được, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng ngừa với tội phạm lừa đảo công nghệ cao.
“Trường hợp của bà T., Công an phường xác định các đối tượng sử dụng công nghệ Deep Fake, giả danh Công an đe doạ nạn nhân. Chúng tôi rất ghi nhận tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm của phía ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô. Các bạn đã nhanh chóng nhận diện được các dấu hiệu nạn nhân bị lừa đảo để hỗ trợ, giúp đỡ, cùng với Công an phường ngăn chặn kịp thời, bảo toàn số tiền cho bà T.
Đối với tình huống vừa rồi, Công an phường cũng sẽ tuyên truyền cảnh báo đến tất cả các công dân để họ cảnh giác” - Trưởng Công an phường Cửa Đông nhấn mạnh.
Người dân khi đến giao dịch tại ngân hàng có thể cảnh giác hơn khi thấy những biển cảnh báo như thế này
Cũng theo Giám Đốc phòng giao dịch Lý Nam Đế - chi nhánh Thành Đô, đơn vị bên cạnh việc phối hợp với Công an phường cũng thường xuyên nhắc nhở các giao dịch viên hỏi kỹ thông tin đối với trường hợp rút tiền trước hạn, hoặc gửi tiền với số tiền lớn bất thường, nhất là đối với những người lớn tuổi để sớm phát hiện trường hợp bị lừa đảo.
Có thể nói, tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động ngày càng tinh vi. Nếu chỉ có sự vào cuộc của lực lượng Công an thôi thì chưa đủ, mà cần nhất là ở chính người dân, phải tự nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, mất bình tĩnh khi bị tội phạm này “tấn công”. Tội phạm ở trong tối, nếu không đưa các đối tượng ra “ánh sáng” thì cần phải ngăn chặn bằng sự đề phòng của chính bản thân mình.